Sự hình thành và phát triển

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ

Sự hình thành và phát triển

Đình làng Quỳnh viên
I. Điều kiện tự nhiên
Xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ở vị trí có tọa độ 19°10′44″ vĩ độ Bắc, 105°39′35″ kinh Đông, cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu 4 km về phía Bắc, diện tích tự nhiên khoảng 7,09 km2. Phía Bắc giáp xã Quỳnh Văn; phía Nam giáp xã Quỳnh Hậu; phía Đông giáp xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Đôi; phía Tây giáp xã Quỳnh Hoa.
Địa hình của xã có dạng thấp dần theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Phía Tây Bắc đồng ruộng cao thấp xen kẽ, đồi núi trải dài từ Bắc đến Nam gần 2km với độ cao từ 50-70m so với mực nước biển. Gò Cát Mù Chòi cao 3-4m khoảng 4ha. Bàu Tràm ở phía Nam rộng khoảng 3-4 mẫu, xen lẫn núi đồi, cồn bãi... Những thửa ruộng có độ chênh lệch khác nhau nên cũng thường xuyên bị hạn hán, ngập úng. Các cánh đồng ở phía Đông trũng thấp lại có các cồn, các bãi hói nước như: Thạch Bàn, Động Giá, cồn Rồng Chầu, cồn Lọng, hói Muông, hói Cửa, Phú Sỹ... đất đai bị nhiễm mặn.
   Ruộng đồng đa dạng, phức tạp, đòi hỏi công tác quy hoạch cải tạo bố trí mùa vụ, cơ cấu cây trồng và áp dụng các giống cây con phù hợp với chất đất từng vùng nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, phải thường xuyên tăng cường các biện pháp cải tạo gắn với xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu phù hợp để tăng năng suất cây trồng. Từ xưa đến nay con người sinh sống trên quê hương vẫn luôn trăn trở và xử lý những vấn đề này.
Quỳnh Thạch nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nên thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Tháng giêng là tháng lạnh nhất trong năm, nhiệt độ trung bình khoảng 180C, có những năm nhiệt độ xuống 50C. Mùa lạnh thường ít mưa gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sự phát triển của cây trồng. Đặc điểm mùa Đông có những đợt mưa phùn kéo dài có lúc hàng tuần và những đợt rét đậm. Ban ngày tuy trời nắng nhẹ gió heo mây nhưng về đêm nhiệt độ xuống thấp một cách đột ngột kết hợp với mưa phùn làm cho cây trồng, vật nuôi kém phát triển hoặc bị bệnh.
Mùa nắng nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình 250C- 300C, có ngày lên 410C. Đây cũng là mùa mưa, bão nhiều chiếm 80% lượng nước cả năm. Tháng 4 (âm lịch) có mưa “lụt tiểu mãn” (có năm làm cho ruộng đồng ngập nước), trận mưa đầu mùa hạ cung cấp nước cho cây trồng trong giai đoạn phát triển. Từ tháng 5 đến tháng 9 xuất hiện nhiều cơn giông nhiệt đới do sự di chuyển của khí quyển hoặc của đối lưu nhiệt. Vùng đồi núi phía Tây Bắc chắn hơi nước của biển đưa vào tạo những cơn mưa nhỏ nên nhiều mưa hơn ở vùng Đông-Nam thấp trũng. Tháng 7, tháng 8 do ảnh hưởng của gió Lào “Phơn”, đây là thời kỳ hạn hán, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Thời gian mưa, gió bão lũ từ tháng 8 đến tháng 10, với những cơn mưa như trút nước, kèm theo giông tố bão lụt. Những năm thiên tai lớn xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương như: trận bão năm 1907, nước biển dâng vào đất liền cao từ 3-4m, hạn hán kéo dài nửa năm 1916, tiếp đến là các năm 1930-1932 dân thường gọi là “bạch lạng” mùa màng thất bát. Hạn hán năm 1976-1977 và năm 1978 ngập lụt nặng làm cho vùng đồng bằng toàn huyện nạn đói kéo dài. Năm 1980, bão cấp 12 nhiều nhà cửa bị đổ, năm 1987 bão lớn triều cường dâng, năm 1998 hạn hán kéo dài hơn một năm… ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Trên địa bàn xã có đường Quốc lộ 1A chạy qua, chia Quỳnh Thạch thành 2 vùng. Phía Tây là làng Kẻ Tràm nay là Bắc Sơn. Phía Đông là khu vực Thạch Động nay là Quyết Thắng và Quỳnh Viên. Xưa Quốc lộ 1A còn gọi là đường Thiên Lý (hay đường Quan Cộ), đoạn đi qua xã chạy theo hướng Đông của dãy núi Thất Tinh có cung trạm đặt ở Đồng Cựa. Trên đường Thiên Lý có xây dựng cầu ở phía Đông Bàu Tràm, cầu có mái che gọi là Gia Kiều (nhà Cầu) sau chuyển xuống đường mới gọi là Cầu Hàng và cung trạm được chuyển về “Cung đất đỏ” Quỳnh Văn.
Trước đây, đường giao thông chủ yếu dựa vào địa thế tự nhiên đồi núi để tránh khe suối tạo thành đường quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh. Các tuyến đường liên hương, liên xóm cũng đi vòng vèo qua các cánh đồng thường bị ngập khi mưa lũ. Từ bến nước Hói Muông, Hói Cửa thông ra sông Mơ đi ra biển cả, thuyền bè qua lại là đường thủy xuyên nội địa.
 Cuối thế kỷ XIX, đường Quốc lộ 1A được nắn lại dời xuống phía Đông như hiện nay. Nối từ Quốc lộ 1A có nhiều con đường liên xã được hình thành, như: Tuyến đường phía Đông đi qua trung tâm xã đến xã Quỳnh Thanh tới xã Quỳnh Lương nối với đường Tỉnh lộ 537B dài 9 km. Song song với tuyến đường này cũng về phía Đông có tuyến đường nối Quốc lộ 1A qua trung tâm làng văn hóa Quỳnh Viên nối với tuyến đường xanh Quỳnh Bá-Quỳnh Hậu-Quỳnh Thạch - Quỳnh Văn.
Đối diện với đường phía Đông về phía Tây có tuyến đường nối Quốc lộ 1A đi qua Quỳnh Hoa đến xã Ngọc Sơn nối với đường 48A đi tới các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Tuyến đường song song với Quốc lộ 1A thuộc khu vực Bắc Sơn đi tới Quỳnh Văn và Quỳnh Hoa được xây dựng chất lượng cao.
Đến nay, hệ thống giao thông liên thôn, liên xã cơ bản đã được nâng cấp, mở rộng nhựa và bê tông hóa, thuận lợi cho việc lưu thông, phát triển kinh tế, xã hội.
Xưa kia vùng phía Đông của xã, trên những diện tích ngập mặn, các loài cây như sú, vẹt, đước, năn, lác mọc thành rừng. Cây cối um tùm trên núi Thất Tinh và các cồn bãi, bờ đầm như cồn Rồng Chầu, bãi Mù Chòi, Hói Muông, Lam Bào... trong đó rừng thông trên núi Thất Tinh có nhiều chim muông về trú ngụ. Ổi làng Tràm nổi tiếng thơm ngon. Cây rừng tự nhiên rậm rạp đã tạo môi trường sinh thái cho nhiều loại động vật trên cạn, dưới nước phát triển và các loại thủy sản nước ngọt và nước lợ. Có loại ong mật, hổ, hươu nai ở núi Thất Tinh, loài rùa ở Hói Muông, Hói Cựa là những giống quý hiếm.
Thảm thực vật và rừng tự nhiên có giá trị phòng hộ, chống sự tàn phá của thiên tai, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa tạo cảnh quan môi trường trên quê hương. Vì vậy trong hương ước các làng trước đây có một điều quy định là cấm chặt, phá cây cối, bảo vệ rừng tự nhiên (nên đặt tên là Rú Cấm). Vườn rừng, vườn đồi nhờ tác động khoa học kỹ thuật và nhận thức của con người, ngày nay đã trở thành những mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) cho hiệu quả kinh tế.
II. Sự hình thành làng xã
Xã Quỳnh Thạch là một vùng đất cổ, có niên đại khoảng 5000 năm thuộc di chỉ văn hóa Quỳnh Văn, cách ngày nay trên 700 năm đã có con người đến đây sinh sống, khai cơ lập ấp, xây dựng xóm làng. Hiện nay, Quỳnh Thạch có 13 xóm phân bổ thành 3 khu vực: Bắc Sơn, Quyết Thắng và Quỳnh Viên. Đảng bộ có 389 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ, trong đó 13 chi bộ nông thôn và 3 chi bộ trường học. 
Trải qua các thời kỳ lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau. Từ Kẻ Sót (khu vực Quyết Thắng), Kẻ Tràm (khu vực Bắc Sơn). Đến thế kỷ XVI, hai làng có tên: Thạch Bàn và Lam Cầu. Thời Nguyễn có tên là Thạch Động, Lam Cầu, sau đổi tên là Lam Kiều. Năm Minh Mệnh (1824), một số người dân của các dòng họ Nguyễn Bá, Nguyễn Đình, Hoàng Đình, Nguyễn Sỹ di cư ra phía Đông lập nên xóm mới (nay được gọi là Quỳnh Viên)
Tháng 2/1946, làng Thạch Động nhập với làng Bèo Hậu thành xã Tân Hóa; làng Lam Cầu nhập với làng Phú Mỹ, Hữu Vịnh thành xã Văn Phong.
Cuối năm 1949, xã Tân Hóa và xã Văn Phong nhập lại thành xã Quỳnh Sơn. Ngày 25/05/1954, xã Quỳnh Sơn tách thành 3 xã với tên gọi: Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu và Quỳnh Hoa. Tên gọi Quỳnh Thạch bắt đầu có từ đây.
Ngày 05/05/1976, ba xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu và Quỳnh Hồng nhập lại có tên gọi là xã Quỳnh Sơn. Ngày 19/9/1981, xã Quỳnh Sơn tách ra thành 3 xã: Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng và ổn định cho đến ngày nay.
1- Khu vực Bắc Sơn (xưa còn gọi Kẻ Tràm - Lam Cầu - Lam Kiều)
 Làng Lam Cầu xưa gọi là kẻ Tràm, đến thời Hậu Lê có tên là Lam Cầu. Phía Bắc giáp xã Quỳnh Văn, phía Nam giáp Quỳnh Hậu, phía Tây giáp Quỳnh Hoa, phía Đông giáp Làng Thạch Động có tổng diện tích 400 ha. Đây là vùng đất cổ nằm trong di chỉ văn hóa Quỳnh Văn, nơi đây đã tìm thấy công cụ lao động ngày xưa của người Việt cổ như: rìu đá có dấu vết mài dũa, công cụ hình lưỡi cày bằng đá.
Các dấu vết cổ xưa còn lưu lại: Giếng cổ, chùa cổ, giếng Đông, giếng Chùa, giếng Thú, giếng Diệc, giếng Hiều, giướng trại… những giếng được hình thành từ thời Bắc thuộc cách đây hơn 1000 năm.
Con người sinh sống ở đất Lam Cầu có thời kỳ lên tới Đồng Lầy (nay là Quỳnh Thắng). Theo lịch sử còn lưu lại, ông Bang Tràm chiêu dân khai phá vùng Đồng Lầy-Đất Thịt với hàng trăm mẫu đất, lập lên làng Văn Lâm (không có đồng triện), lệ thuộc vào Lam Cầu.
Vào năm 542 (sau Công Nguyên) có vị thủy tổ họ Lê là Duệ hiệu Huyền Thông Bạch Vân tiên sinh đã đến vùng Đồng Lầy-Đất Thịt dựng lên làng Trang (bao gồm Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân hiện nay). Lúc bấy giờ Quỳnh Xuân gọi là Hoa Duệ, Quỳnh Văn gọi kẻ Vân. Ngoài Huyền Thông Bạch Vân tiên sinh còn có các họ khác đến khai phá ở phía Tây lèn Trụ Hải như: Hồ, Nguyễn, Đậu, Trần, Phan... đã xây dựng đình làng, nghè Rỏi (thờ Huyền Thông tiên sinh), đền thờ thượng ngàn công chúa (Bạch Y Đại Vương). Thế kỷ XI, làng Trang thuộc phạm vi hành chính của cựu Quỳnh Lâm xã (còn gọi là Ngũ xã) bao gồm Vân Tụ, Hoa Duệ, kẻ Tràm (Quỳnh Thạch), Kẻ Hà, Hữu Vịnh (Quỳnh Hoa). Năm Minh Mệnh (1820) cương vực địa giới của các Giáp, thôn, làng cơ bản được hoạch định rõ, nhưng Ngũ xã vẫn tồn tại do ruộng đất nhiều, rừng núi, ruộng đồng xen kẽ, nhiều “chân voi, móng hổ dẫm đạp chồng chéo lên nhau”. Muốn bảo vệ được tính mạng và thành quả lao động buộc các làng phải liên kết để chống lại thú dữ và các thế lực khác tranh giành đất. Bởi vậy, năm làng lập đền thờ gọi là đền thờ Ngũ xã (dấu vết còn lại ở Cồn Nổi giữa hồ An Ngãi) để thờ những vị tiên hiền có công khai phá đất đai lập nên cựu Quỳnh Lâm xã. Thời kỳ này số dân phần lớn đã dịch chuyển dần về phía Đông, đất của cựu Quỳnh Lâm xã.
Đầu thế kỷ XX, dòng họ Phan ở làng Tràm, chủ thể là ông Phan Hữu Dực (gọi là Bang Tràm) tiếp tục tới vùng đất xưa của cha ông tiếp tục khai phá hàng trăm mẫu từ vùng cồn Quốc Mỹ  giáp tới đỉnh hòn Nhọn, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi trở thành người bá hộ trong vùng. Ông cho dựng ở cồn Quốc Mỹ (nay là trường học Tiểu học và THCS của Quỳnh Tân) đền thờ họ Phan. Theo tư liệu lịch sử làng Lam Cầu thì mộ tổ của họ Phan được an táng nơi đây.
Nhân dân ở Ngũ Xã (Cựu Quỳnh Lâm) khá lâu, rồi di dời làng về Cồn Trằng, Cồn Thoi, ở đây đã có chợ để trao đổi hàng hóa (nay gọi là Cồn Chợ), nhân dân xây dựng lò ngói vết tích còn lại ở xứ đồng Eo. Dân làng tiếp tục chuyển về Mù Chòi trong một thời gian khá dài họ làm chùa thờ Phật (Lầm Chùa), đào giếng lấy nước sinh hoạt: giếng nhà Bằng ở phía Tây, giếng Nãi ở phía Đông (nay vẫn còn). Dân xây nhà lợp ngói (vết tích còn lại là ngói vỡ nhiều). Đợt dừng chân cuối cùng của làng Lam Cầu. Thời Nguyễn làng có các xóm: Thọ Lộc, Trung Hậu và Cầu Phúc; làng có 400 mẫu ruộng và 802 người.
Làng Lam Cầu có từ thời Trần (1225) thuộc thế kỷ thứ XIII, làng có ba lần di chuyển: Từ Đồng Lầy - Đất Thịt; làng Trang (thuộc Ngũ Xã) và Cồn Trằng, sau đó mới về nơi này. Bước đầu mới chỉ có ít dòng họ, một số họ lớn đứng lên thành lập làng nên có khẩu truyền rằng “Nhất Nguyễn, nhị Phan, tam giã Đặng” những người có công đều được làng đem vào thờ cúng ở Đền. Tiếp theo các họ ở nơi khác tới, nay có 21 dòng họ hội tụ cùng sinh sống.
Trong làng có nhiều dòng họ dù đến trước hay đến sau đều một lòng xây dựng quê hương, đất nước. Một số dòng họ lớn như: Họ Nguyễn Đức, được di chuyển ở Hà Đông vào thủy tổ là ông Nguyễn Chánh Đạo tới mảnh đất Kẻ Tràm sinh sống vào khoảng năm 1335, đến nay trải qua 19 đời và 267 đinh, học hành đậu đạt cao có nhiều danh tiếng như: lực tướng quân, lý trưởng, cửu phẩm, tú tài.
Họ Nguyễn Đình: Nguồn gốc từ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vào mảnh đất kẻ Tràm sinh sống, thủy tổ là ông Nguyễn Phúc Thắng lập nên dòng họ đã trải qua 17 đời và 197 đinh, dòng họ có nhiều người thành đạt như lực tướng quân, học hành đậu đạt danh nghĩa tú tài.
Họ Nguyễn Văn: Thủy tổ là ông Giác Hải Đại Vương, người có công đánh Ô Mã Nhi được phong chức hầu, ông Nguyễn Trung Thực được phong võ thần, đến nay 25 đời và 54 đinh. Họ có những người thành đạt lực tướng quân, học hành đậu đạt tú tài.
Họ Phan: Gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An, dòng họ Phan Bội Châu phò vua Lê bị Nhà Mạc truy đuổi, tổng binh là thủy tổ Phan Lãi Non (1527) về đất Kẻ Tràm sinh sống lập nên dòng họ đến nay đã 18 đời 430 đinh, dòng họ có nhiều người thành đạt với chức lực tướng quân, tam phẩm, lý trưởng, bang tá, bang tràm cùng các vị hậu thần.
Họ Đặng: Nguồn gốc từ Lập Thạch, Sơn Đông, Hà Tây, thủy tổ là Đặng Công Thận, ông về tại đất Kẻ Tràm vào cuối đời Nhà Trần, họ có nhiều danh tước như anh hùng dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung và nhiều phẩm hàm khác, đến nay đã 19 đời và có gần 2000 đinh thuộc các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Ngọc.
Họ Trần Hậu: Biệt danh do nhà Vua ban, từ Nam Định vào thời điểm Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, chi nhất về làng Kẻ Tràm sinh sống vào năm 1757, thái thủy tổ là Trần Hậu Thỏa đời thứ 5 con của đô đốc quận công Trần Hậu Dựt, cháu nội của đô đốc quận công Trần Hậu Dinh chắt nội của thái bảo diên quận công Trần Hậu Hoa đến nay đã 16 đời.
Trên địa bàn có 2 di tích lịch sử đó là Đền Hạ Lam Cầu được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018 và Cây Thị tại vườn ông Đặng Ngọc Kim, xóm 11 có tuổi đời trên 300 năm, được hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam vào năm 2015.
Đời sống tín ngưỡng, tâm linh làng Lam Cầu khá phong phú, có nhiều đình, đền, chùa, miếu tạo thành một quần thể phản ánh đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Đình Trung: được xây dựng cách ngày nay trên 200 năm. Ban đầu đình được xây dựng thô sơ, lợp tranh. Đến năm Tự Đức (1869), Đình được xây dựng kiên cố, 5 gian bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch, cột to đường kính khoảng 40cm, đình làm theo kiểu 4 mái, 2 hồi có hổ phù trên nóc theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Năm 1936, đình được trùng tu, xây dựng tường bao quanh. Đình là nơi hội họp bàn việc trọng đại của làng, đồng thời xử lý đối với những vi phạm hương ước của làng để giáo dục mọi người.
Lễ Kỳ Phúc ở đình được tổ chức 3 năm một lần thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Tại đây, ngoài phần lễ thì phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, như đánh cờ người, xít đu, hát xướng mang đậm bản sắc văn hóa của một miền quê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đình là nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của làng: Trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Năm 1945, là nơi chính quyền cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Năm 1952, là nơi chứng kiến lễ mít tinh của Chi bộ Quỳnh Sơn công bố Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai. Trong những năm tháng chống Pháp, đế quốc Mỹ, Đình là nơi hội họp của nhân dân.
Đền Thượng: Được xây dựng trên động Nghè Trong, thờ thần Cao Sơn-Cao Các, tứ vị Thánh Nương và người có công khai phá, lập làng, bảo vệ nhân dân. Không chỉ ở Lam Cầu, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nhân dân đã đóng góp xây dựng đền để hương khói, tưởng nhớ công lao của các vị thần.
Đền Hạ: Xây dựng từ thế kỷ XVII ở phía Nam của Làng. Trước chính diện có 2 nhà dọc 2 bên thờ các vị hậu thần có công đóng góp xây dựng, bảo vệ làng. Trong đền trang trí lộng lẫy: Hương án, gươm, đao, tấu, tàn lọng hai bên có 2 nghê chầu hổ phục, ngày đại lễ được trưng bày thêm hoành phi, cửa vọng, cờ, quạt... Năm 1906, đền được trùng tu nâng cấp. Năm 1940, xây tường bao, phía trước xây 2 cột hình trụ to và cao, 2 bên có quan văn, tướng võ, voi, ngựa chầu rất uy nghi. Đền thờ thần chủ: Tứ vị Thánh Nương, 11 vị phúc thần, 13 vị hậu thần đều là những vị có công với làng với nước. Trong đó có Quận công Trần Hậu Hoa. Đồng thời, là nơi sinh hoạt của chi bộ Đảng Hoa Sơn giai đoạn 1946-1954; địa điểm đóng quân của tiểu đoàn pháo cao xạ đơn vị anh hùng Nguyễn Viết Xuân thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đền Nghè ngoài: Được xây dựng dưới chân núi Nghè ngoài, đền thờ 2 vị  tướng: Tả tướng công và Hữu đô đốc Trần Kiều Hầu.
Đền Đế Thích: Ở vị trí phía Đông Nam của Bàu Tràm, đền thờ Đế Thích hiệu là “Đế thích hải tạng long vương”.
Chùa: Được xây dựng ở Lầm Chùa (cuối Mù Chòi), Chùa Vòng ở xóm 12 (khu vực Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu) và chùa ở Đồng Cựa (nay là trường THCS Quỳnh Thạch), ban đầu còn thô sơ. Năm 1874 được xây dựng kiên cố với hai nhà; trong chùa các tượng phật được sơn son thiếp vàng. Những ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, nơi diễn ra các ngày lễ trọng đại, thu hút du khách và phật tử trong vùng đông đảo về dự.
Nhà Thánh: Nằm ở phía Tây-Nam của Đình làng (hiện nay là nhà anh Toản xóm 11). Nhà Thánh thờ Đức thánh Khổng Tử, người có công truyền đạo nho học và các vị tiên hiền, hậu hiền, hai nhà dọc hai bên thờ các vị khoa bảng của làng.
Miếu: Mỗi xóm có 1 miếu để thờ Thành Hoàng. Nay chỉ còn lại miếu chân động xóm 9 thờ ông Nguyễn Văn Hòa có công chống giặc ngoại xâm.
Những di tích đình, đền, chùa, miếu...là nơi gửi gắm tâm linh của nhân dân trong làng. Tuy nhiên, những di tích lịch sử đó đến nay hầu hết bị phế tích, nay chỉ còn Miếu chân động xóm 9 và Đền Hạ được phục dựng năm 2014.
Vùng đất Lam Cầu xưa có nhiều loại cây trái thơm ngon như: xoài, mít, bưởi, hồng…nổi tiếng với vẻ đẹp non nước hữu tình, bốn mùa tươi tốt, được miêu tả:
“Lam Cầu có núi Thất Tinh,
Một hàng bảy ngọn như hình ngôi sao.
Khách qua chim hót hoa chào,
Đoái trông cảnh vật như vào non tiên”.
2- Làng Thạch Động (còn được gọi Kẻ Sót, Suất Động, Thạch Bàn, Thạch Động, Quỳnh Thạch)
Làng Thạch Động phía Bắc giáp Hoa Duệ (Quỳnh Văn), phía Nam giáp làng Bèo Hậu và làng Quỳnh (Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi), phía Đông giáp Thanh Dạ (Quỳnh Thanh) và phía Tây giáp làng Lam Cầu. Xa xưa làng Thạch Động có tên gọi là kẻ Sót, thế kỷ XVI gọi là giáp Suất Động, thôn Kim Lâu, xã Hoàn Hậu, tổng Phú Hậu. Đầu thế kỷ XVII, Suất Động đổi thành Thạch Bàn, thời Nguyễn đổi là Thạch Động thuộc tổng Quỳnh Lâm. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, làng có 1.500 mẫu, dân số khoảng 2.000 người.
Trên đất Thạch Động còn lưu lại nhiều vết tích lịch sử như: Đình, đền, chùa miếu, giếng cổ...
Đình Trung: Được xây dựng đầu thế kỷ XVII khi vừa thành lập làng Thạch Bàn. Ban đầu đình được xây dựng ở cồn Mụ Nhuệ, lợp bằng tranh, sau được dời về trung tâm của làng. Năm 1930, đình được tùng tu, xây dựng trên diện tích đất rộng 2 đến 3 sào do trưởng làng Nguyễn Thiện Ngộ hiến tặng. Đình được lợp ngói, gồm 2 tòa, tòa ngoài 5 gian bằng gỗ lim, có 2 nhà cầu nối với nhà trong (tức hậu lâu rộng 3 gian), sân đình rộng 2 sào. Đình là nơi hội họp và là nơi đại tế lễ kỳ phúc được tổ chức vào tháng 3 và các ngày lễ khác hàng năm.
Đền Thánh Tứ: Ở vùng Đội Làng, được xây dựng và hoàn thành đầu thế XVIII. Đền có 3 tòa: Tòa trong (hậu cung) xây dọc, tòa giữa (trung điện) 3 gian xây ngang, tòa ngoài (hạ điện, hoặc nhà ca vũ). Mái đền uốn cong có nghê chầu theo mẫu kiến trúc thời Lý, trên nóc đền có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía trước cổng tam quan có tượng voi, ngựa và hai ông quan văn, võ tay cầm kiếm, bút nghiên đứng nghiêm trang.
Miếu bà Chúa (Quý nương vương phi) được xây dựng năm 1710 tại vườn ông Cun; miếu Đức Ông (Dương Uy Vương) được xây dựng năm 1650, gần đình làng.
Đền Quan lớn được xây dựng năm 1837 ở đồng Cây Bàng, năm 1936 được tôn tạo. Lập thờ Quan huyện tướng công Vũ Phạm Khải, quê quán thôn Phượng Trì, xã Yên Mão, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, làm tri huyện Quỳnh Lưu, người đã có công giúp làng trở về quê ổn định cuộc sống sau vụ kiện kéo dài, dân làng rơi vào cảnh phân tán cơ cực. Do có công lớn đến năm 1925 Vua Khải Định phong sắc Quý nương vương phi là văn ngụ đạo, Dương Uy Vương là văn thập nhị đạo, Vũ Phạm Khải là văn nhị đạo.
Nhà Thánh: Do hội Văn làng xây dựng năm 1684 thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng của làng. Nhà Thánh gồm 2 tòa hậu cung và bái đường, có tường xây bao quanh, ban đầu lợp tranh đến thời Nguyễn được trùng tu lợp ngói.
Chùa Bụt: Nằm ở phía Đông của làng, là ngôi chùa cổ, trước làng có một tảng đá to, trên mặt có dấu vết chân “ông Khổng Lồ”.
Giếng Trại: Nằm ở phía Tây Nam của làng (giếng Đất) rộng khoảng 3 sào, đáy giếng có 3 giếng con làm bằng khung gỗ Chò (gỗ để lâu trong nước không bao giờ mục) ghép theo hình chữ nhật, thành giếng không ghép đá như những giếng cổ trong vùng của huyện Quỳnh Lưu. Năm 1933, dân làng sửa chữa, khai thông mạch để sử dụng lâu dài, những năm nắng hạn, nước giếng vẫn không hề cạn bởi có những mạch ngầm rất tốt. Đến năm 2016, giếng được tu tạo có hàng rào bao quanh bảo vệ.
Về cư dân từ thời nhà Trần, một số dòng họ từ Bắc vào định cư, khai phá đất đai, lập làng. Ông Hồ Trực Tính và Hồ Tảo Giác từ Hải Dương lúc đầu vào định cư ở Hiền Lương (Quỳnh Lương) sau dời về Động Giá rồi chuyển về vùng Đội Làng. Các ông Nguyễn Đình Thiên, Nguyễn Xuân Lai, Văn Đức Nhân, Văn Đức Thông và các dòng họ khác tiếp tục tới định cư, làm ăn, ổn định. Cùng thời gian, ông Nguyễn Phúc Tửu (họ Nguyễn Đăng) định cư ở xóm Trại (xóm Đại Đồng), ông Hoàng Đình Thiên đến vùng Đồi Làng, ông Nguyễn Phúc Tâm đến Rộc Bờ Phường (xóm Nam).
Thế kỷ XV-XVI các họ: Nguyễn, Hồ, Vũ... đến định cư lập nghiệp ngày càng đông đúc phát triển, trên ba vùng cao ráo, đất đai màu mỡ: Động Giá, Đội Làng, Cồn Mụ Nhuệ có dân cư sinh sống đông hơn.
Một số dòng họ lớn ở làng như họ Nguyễn Đăng: Nguồn gốc ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào, thủy tổ là ông Nguyễn Tam Lang, tự Phục Tửu, hiệu Hòa Sơn ông đã vào đất này khoảng năm 1378, đến nay đã 15 đời và 221 đinh, dòng họ có những người đậu đạt cao như cử nhân, sắc phong lực tướng quân, lý trưởng.
Họ Hoàng Đình: Dòng họ của Hoàng Tá Thốn, tổ ông là cụ Hoàng Du về đất Thạch Động khoảng năm 1558 đến nay trải qua 18 đời có 260 đinh, họ có nhiều người được phong chức lực tướng quân kiêm bách bộ, đậu đạt khoa bảng, phẩm giá cao của ngày xưa (tam phẩm hầu tướng quân).
Họ Nguyễn Sỹ: Từ Bắc vào, thủy tổ là ông Nguyễn Thiện Ngộ, thời kỳ phò Lê diệt Mạc bị thất thủ, tổ ông vào mảnh đất này đã trên 600 năm trải qua 16 đời và 275 đinh, dòng họ có nhiều người thành đạt, danh tiếng như tướng công kiêm bách bộ, học hành đậu đạt cử nhân, tú tài.
Họ Hồ Đức (gốc Lý): Nguồn gốc ở tỉnh Hải Dương vào sinh sống ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu; đến năm 1621, tổ ông Hồ Trực Tính về đất Thạch Bàn đến nay trải qua 18 đời và 130 đinh, trong họ có nhiều người được phong chức tước phấn lực tướng quân, lý trưởng, khoa bảng, tú tài.
Đầu thế kỷ XVI tổ Ông: Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Đăng Quát, Hồ Đức Nhuận, Hoàng Đình Thiêm của bốn dòng họ Nguyễn Phúc, Nguyễn Đăng, họ Hồ và họ Hoàng đứng ra thành lập làng Thạch Bàn, được gọi là “Tứ tính triệu cơ”. Đến nay đã có 35 dòng họ ở làng Thạch Động và Quỳnh viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước.
Trên địa bàn có 2 di tích lịch sử được công nhận trong đó Đình Làng Thạch Động. Nơi thờ thành hoàng làng - Tướng công Dương Uy Vương- quan huyện tướng công Vũ Phạm Khải nơi diễn đàn cách mạng 1930-1931, được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử năm 2016 và dòng họ Nguyễn tộc Đại tôn ở xóm 6, thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, thủy tổ là ông Nguyễn Nhữ Trực, được nhà vua phong tước tả thị lang, hộ bộ, thượng thư lãng dương hầu, dương quận công, năm 1442 cụ tới mảnh đất này lập dòng họ đến nay đã trải qua 19 đời và có trên 4000 đinh ở 12 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, dòng họ có công đóng góp lớn cho quê hương đất nước, được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử năm 2013
3- Xóm Mới (được gọi là Làng Quỳnh Viên)
Năm Minh Mệnh (1824), cư dân vùng Đội Làng và các họ Nguyễn Bá, Nguyễn Đình, Nguyễn Sỹ, Hoàng Đình (ở làng Thạch Động) chuyển qua đồng Cồn Mô ở phía Bắc, đắp đập, hói ngòi sinh sống phát triển, dân cư ngày một đông đúc đến năm 1850 thời Vua Tự Đức công nhận là ấp, thuộc làng Thạch Động. Nhân dân đã lập Miếu để thờ thổ thần long mạch. Miếu Quỳnh Viên là nơi ra đời của chi bộ Minh Đức, nhiều cuộc họp bí mật của chi bộ Minh Đức, chi bộ Hoa Sơn, nơi cất giữ tài liệu bí mật của Đảng được chuyển tải ở Quỳnh Đôi và một số nơi khác đến, nên được Ủy ban nhân dân tỉnh lập kê danh sách loại hình lịch sử cách mạng tại Quyết định số 1306 ngày 12/4/1997.
Đình Quỳnh Viên được xây dựng năm 1824 làm nơi sinh hoạt của nhân dân. Thời kỳ chiến tranh Đình là nơi cất giữ vũ khí đạn, dược từ (1964-1976) đến nay đã được tu tạo nhiều lần, đang lưu giữ câu đối:
“Lập tân ấp Tự Đức Canh Tuất tam tải;
Tu tân Đình Bảo Đại Đinh Mão nhị niên”.
Sau 196 năm khai cơ lập ấp đến nay Quỳnh Viên trên 300 hộ gia đình và 150ha đất sản xuất, đời sống của nhân dân ngày càng phát triển, các cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, đời sống văn hóa ngày càng phong phú; nhân dân nơi đây đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng quê hương đất nước được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận làng văn hóa vào năm 2000 và từ đó đến nay luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa.
Về tổ chức xã hội lúc bấy giờ ở hai làng Lam Cầu và Thạch Động có lý trưởng, hương hào, hương mục, hương kiểm, hương dịch, hương bộ; ở thôn có giáp để quản lý đinh suất triển khai việc làng việc thôn, để làm công việc thường niên qua các ngày tế lễ và những việc chung của làng.
Quỳnh Thạch một vùng đất cổ có khoảng 5000 năm và trên 700 năm kể từ ngày khai cơ lập ấp gắn liền với lịch sử dân tộc. Đồng thời, cùng với sự biến thiên xã hội có nhiều tên gọi khác nhau 56 dòng họ trên mọi miền đất nước đã tụ hội về đây sinh sống trải qua các thời kỳ lịch sử đều gắn liền với quê hương, đất nước đã đóng một phần to lớn về nhân tài, vật lực để bảo vệ quê hương, chấn hưng đất nước. Tất thảy đang hòa chung vào một cộng đồng xây dựng nên Làng Kẻ Tràm - Thạch Động ngày xưa, Quỳnh Thạch ngày nay trở thành một vùng đất trù phú đầy màu sắc của thời kỳ đổi mới:
“Quỳnh cổ tựa Xuân sang, Thạch Sơn minh tỏa sáng
Anh tài công ơn Đảng, hùng cường nhờ sức dân”

  Ý kiến bạn đọc

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Trả lời cử tri
Thăm dò ý kiến

Bạn đang sinh sống và làm việc tại khu vực nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,001
  • Tháng hiện tại34,782
  • Tổng lượt truy cập1,093,273
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây