Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Hội Nông dân xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả đã hình thành vùng chuyên canh cây Ổi và một số cây ăn quả khác với diện tích trên 20ha, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 60 tấn quả các loại, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên trong tổ. Trước đây, tại một số vùng đất Lam Cầu thuộc xã Quỳnh Thạch có diện tích đất trống, đất hoang hoá, ao, hồ, đầm lầy không sử dụng rất lớn. Từ năm 2001 thực hiện chủ trương chung về phát triển kinh tế trang trại, UBND xã khuyến khích các hộ nông dân thực hiện khai hoang xây dựng các mô hình trang trại. Một số hộ nông dân đã tiên phong, đầu tư vốn, công lao động tiến hành đào ao, đào mương, làm cầu và xây dựng các cơ sở vật chất hàng trăm triệu đồng. Bà con được các cấp các ngành về định hướng, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các hộ tham gia các lớp tập huấn về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên đã mạnh đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là trồng các loại cây ăn quả như Ổi, Táo, Mít, Na…..
Để nâng cao hiệu quả kinh tế Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch tiến hành rà soát, vận động các hộ dân có cùng nguyện vọng và tâm huyết với nghề trồng cây ăn quả tham gia Tổ hợp tác, với tên gọi là Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Lam Cầu. Đến nay các thành viên của tổ hợp tác đã tạo được sự liên kết trao đổi kinh nghiệm với nhau, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tất cả các loại sản phẩm xuất ra được các thương lái thu mua tại chỗ, vì các loại rau quả ngon đậm đà và có hương vị đặc trưng bởi chất đất, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây trái đặc biệt là Ổi, Mít. Táo... được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân xã đã định hướng cho thành viên tham gia tổ hợp tác thực hiện trồng và chăm sóc các loại cây theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay cho việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đảm bảo sản phẩm của Tổ hợp tác theo đúng tiêu chuẩn VietGAP đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Từng bước tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia tổ hợp tác. Được sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và Hội Nông dân xã, bà con nông dân từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ và quen dần với việc hoạt động của tổ hợp tác, tạo chuổi liên lết từ sản xuất đến tiêu dùng cũng như trao đổi, hỗ trợ nhau trong việc nâng cao hiệu quả trồng cây ăn quả.
Với số vốn điều lệ ban đầu là 8 triệu đồng, đến nay tổ hợp tác đã thu hút 16 thành viên là những người trồng cây ăn quả thuộc xóm 9, xóm 10 xã Quỳnh Thạch, trong đó thành viên nhiều nhất có trên 3 ha diện tích, người ít nhất khoảng 0,15 ha, đưa tổng diện tích cây ăn quả của tổ hợp tác lên trên 20 ha, chủ yếu là Ổi chiếm 80% tiếp đến là táo, mít...Trong những năm gần đây, khi đến vụ thu hoạch thương lái đã tìm đến tận vườn để thu mua, nhà nhiều cũng thu từ 150-200 triệu đồng, nhà ít cũng đã có thu khoảng 40-50 triệu/năm. Ngoài ra các thành viên còn thu nhập từ trồng rau màu, đặc biệt là rau ngót trồng xen dưới các hàng cây ăn quả, thu nhập từ chăn nuôi gà vịt và nuôi cá.
Cuối năm 2021, UBND xã, Hội Nông dân xã cùng với các thành viên trong tổ hợp tác đang từng bước xây dựng thương hiệu ổi Làng Tràm đặc trưng của vùng đất Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch với tiêu chí OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), đi liền với quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự ra đời của tổ hợp tác trồng cây ăn quả Lam Cầu là kênh phân phối quan trọng giúp các hộ trồng cây ăn quả khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương làm giàu chính đáng trên mảnh đất Lam Cầu giàu truyền thống, là một trong những lực đẩy đưa kinh tế xã hội của xã tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Nguyễn Anh Tuấn