Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của Bộ luật dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới. Sau hơn 09 năm thi hành, Bộ luật dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.Bộ luật dân sự là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật. Do vậy, tại kỳ họp thứ 10 Bộ luật dân sự được Quốc hội Khóa XIII, thông qua ngày 24/11/2015; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Bộ luật dân sự 2015 gồm 6 Phần, 27 Chương, 689 Điều (Thay vì Bộ luật dân sự 2005 là 7 Phần, 36 Chương, 777 Điều). Cấu trúc Bộ luật dân sự năm 2015 có phần khác biệt BLDS cũ, được sắp xếp như sau:
Phần thứ nhất "Quy định chung" (từ Điều 1 đến Điều 157) gồm 10 chương: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; Chương III: Cá nhân; Chương IV: Pháp nhân; Chương V: Nhà nước CHXHCNVN, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự; Chương VI: Hộ gia đình, tổ hơp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự; Chương VII: Tài sản; Chương VIII: Giao dịch dân sự; Chương IX: Đại diện; Chương X: Thời hạn và thời hiệu.
Phần thứ hai "Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản" (từ Điều 158 đến Điều 273) gồm 4 chương: Chương XI: Quy định chung; Chương XII: Chiếm hữu; Chương XIII: Quyền sở hữu; Chương XIV: Quyền khác đối với tài sản;
Phần thứ ba "Nghĩa vụ và hợp đồng" (từ Điều 274 đến Điều 608) gồm 6 chương: Chương XV: Quy định chung; Chương XVI: Một số hợp đồng thông dụng; Chương XVII: Hứa thưởng, thi có giải; Chương XVIII: Thực hiện công việc không có ủy quyền; Chương XIX: Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; Chương XX: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Phần thứ tư "Thừa kế" (từ Điều 609 đến Điều 662) gồm 4 chương: Chương XXI: Quy định chung; Chương XXII: Thừa kế theo di chúc; Chương XXIII: Thừa kế theo pháp luật; Chương XXIV: Thanh toán và phân chia di sản.
Phần thứ năm "Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" (từ Điều 663 đến Điều 687) gồm 3 chương: Chương XXV: Quy định chung; Chương XXVI: Pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân; Chương XXVII: Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.
Phần thứ sáu "Điều khoản thi hành" (từ Điều 688 đến Điều 689). Phần này quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Về tổng quan Bộ Luật dân sự năm 2015 đã kế thừa, phát huy và đã khắc phục những vấn đề tồn tại của Bộ luật dân sự 2005 cụ thể:
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: Trong quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể tham gia có vị trí độc lập, bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. So với quy định của Bộ luật dân sự 2005, vấn đề về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 có nhiều điểm khác biệt.
Điều 1 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác". Như vậy, chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự được quy định tại BLDS 2015 bao gồm cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Các chủ thể khác ở đây bao gồm hộ gia đình và tổ hợp tác. Đây là các chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự được Bộ luật dân sự 2005 ghi nhận (Điều 106 và Điều 111).
Khác với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 không có quy định thế nào là chủ thể của một quan hệ pháp luật dân sự, tuy nhiên, tại Điều 1 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân". Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 chỉ ghi nhận cá nhân và pháp nhân và hai chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, Bộ luật dân sự 2015 không coi hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, để xử lý vướng mắc của quan hệ pháp luật có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, Bộ luật dân sự 2015 có quy định điều chỉnh việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Về tài sản và quyền đối với tài sản: Về tài sản: Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản bao gồm 11 điều (từ Điều 105 đến Điều 115) bao gồm các quy định về khái niệm tài sản; phân biệt bất động sản với động sản; tài sản hiện có với tài sản hình thành trong tương lai; hoa lợi, lợi tức; vật chính và vật phụ; vật chia được và vật không chia được; vật tiêu hao và vật không tiêu hao; vật cùng loại và vật đặc định; vật đồng bộ; quyền tài sản và quy định về đăng ký tài sản.
Bộ luật dân sự 2015 đã mở rộng khái niệm "tài sản hình thành trong tương lai" thay cho "khái niệm vật hình thành trong tương lai".
Khoản 2 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".
Điều 108 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch."
Về quyền đối với tài sản: Bên cạnh việc kế thừa quy định của BLDS 2005 về quyền chủ sở hữu đối với tài sản, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể về quyền khác đối với tài sản là "quyền của chủ thể trực tiếp giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt. Đồng thời, Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung quy định cụ thể các trường hợp quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của chủ sở hữu, chủ thể khác bị hạn chế như trường hợp tình thế cấp thiết, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Về Giao dịch dân sự: Chế định giao dịch dân sự được quy định tại Chương VIII Bộ luật dân sự 2015, bao gồm các quy định về điều kiện có hiệu lực, mục đích, hình thức giao dịch dân sự, việc giải thích giao dịch dân sự, các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Bộ luật Dân sự năm 2015 có một số thay đổi cơ bản so với Bộ luật Dân sự năm 2005 để làm rõ hơn các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, đảm bảo tôn trọng ý chí của các bên trong việc xác lập giao dịch
Về hợp đồng: Hợp đồng là hình thức giao dịch dân sự phổ biến và là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Chế định về hợp đồng là một chế định trọng tâm của Bộ luật dân sự, được quy định tại mục 7 Chương VIII Bộ luật dân sự 2015.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về các điều khoản chung về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật khác có liên quan và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật khác có liên quan thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung như là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng.
Về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: Nghĩa vụ dân sự được quy định tại Phần thứ ba Bộ Luật dân sự năm 2015, trong đó quy định về căn cứ phát sinh và đối tượng của nghĩa vụ; về thực hiện nghĩa vụ; về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; quy định về trách nhiệm dân sự và việc chấm dứt nghĩa vụ. Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung thêm hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản. Bộ Luật dân sự năm 2015 bổ sung một số quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai (Điều 294) các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm (Điều 299 đến 307) hoặc việc ghi nhận các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vào quy định về phạm vi bảo lãnh (Điều 336). Về thứ tự ưu tiên thanh toán, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định căn cứ theo thứ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm Tại Bộ luật dân sự năm 2015, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm được xác định căn cứ theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba hoặc thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Về hiệu lực thi hành: Theo Điều 689 Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, và có quy định về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 688 như sau:
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
2. Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực
Ngoài ra Bộ luật dân sự năm 2015 có những điểm đáng chú ý cụ thể như sau:
Chuyển đổi giới tính: Theo Điều 37 Bộ luật dân sự 2015, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của BLDS 2015 và luật khác có liên quan.
Pháp nhân thương mại: Tại Điều 75 Luật dân sự 2015 có quy định pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Thời hiệu thừa kế: Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế./.
DUYỆT PHÁT THANH
Yêu cầu cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã phát bài tuyên truyền 1 tuần 1 lần vào sáng thứ 7 hàng tuần
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Cương