I. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam:
Đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất được tích tụ vào tay một số ít địa chủ Pháp, nhà chung, phong kiến, quan lại, địa chủ đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ, đời sống nông dân vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Họ nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp, từng bước giác ngộ chính trị, sẵn sàng ủng hộ, đi theo các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - một số địa phương đã tập hợp nông dân để nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 11/1929, Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Cuối năm 1929, ở tỉnh Hà Đông, Đông Dương cộng sản Đảng đã thành lập tổ Nông hội đỏ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Sách lược vắn tắt của Đảng đã nêu: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương.
Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương
Tháng 3/1937, Nông hội đỏ được đổi tên thành Nông hội đã tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 5/1941, Mặt trận các đoàn thể lấy tên là cứu quốc, Nông hội có tên gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội “thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật''. Hội trở thành lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh, tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù. Các tổ chức nông dân cùng với công nhân đã trở thành ''xương sống'' của Mặt trận.
Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng. Ngày 6/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Ban Nông vận trung ương. Ở miền Bắc, với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ở miền Nam, Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc được phục hồi trong thời gian Đồng khởi.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một người lính”, nông dân khắp nơi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Với tinh thần “quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết”, giai cấp nông dân đã động viên con em mình ra trận phục vụ tiền tuyến.
Ngày 27/9/1979, Hội có tên là Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên CNXH.
Ngày 01/3/1988, đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Kể từ năm 1988 đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
II. Giai cấp nông dân và hội nông dân xã Quỳnh Thạch qua 93 năm xây dựng và trưởng thành.
Trải qua 93 năm truyền thống lịch sử của giai cấp nông dân và Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch gắn liền với truyền thống lịch sử của dân tộc, của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Với tinh thần yêu nước và cách mạng, quá trình hình thành và phát triển của giai cấp nông dân xã nhà luôn gắn bó mật thiết với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và Đảng bộ xã. Trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, giai cấp nông dân xã nhà cũng luôn giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hội Nông dân xã đã tổ chức thành công các kỳ Đại hội đại biểu, đó là những mốc son, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ. Đến nay, Hội Nông dân xã đã tập hợp được 85% hội viên tham gia sinh hoạt.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân xã dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành Đảng bộ xã, sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân cấp trên, giai cấp nông dân trong xã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, tranh thủ khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đoàn kết, thi đua thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã; Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp đề ra. Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Hội đã tập trung tuyên truyền vận đông nông dân đóng góp hàng tỷ đồng, nhiều ngày công lao động, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, trường học, nhà văn hoá, giao thông nông thôn….Tích cực xây dựng gia đình nông dân đạt gia đình văn hoá, tham gia xây dựng xóm văn hoá. Đời sống của nông dân xã nhà được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn được đổi mới khang trang. Hội đã đồng hành phối hợp hỗ trợ số hoá sản phẩm bằng tem truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm đó là Bánh Lá Quỳnh Thạch và ổi Làng Tràm, xây dựng được một vườn chuẩn nông thôn mới; xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu sản phẩm OCOP Ổi Làng Tràm; hoàn thiện hồ sơ và quảng bá sản phẩm làng nghề Bánh lá Quỳnh Viên; tranh thủ vận dụng vốn quỹ hỗ trợ nông dân của các cấp cho hội viên vay để phát triển đàn bò sinh sản; nhiều mô hình thiết thực được hội quan tâm triển khai như sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, thành lập các tổ bảo vệ môi trường nông thôn, quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hội luôn thể hiện vai trò là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Có thể khẳng định trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Ban chấp hành Hội Nông dân xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ và hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; Tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; Xây dựng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tốt các phong trào thi đua của Hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững, giữ vững ổn định an ninh, chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn
Phát huy truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam, Cán bộ, hội viên Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch tăng cường đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia xây dựng Nông Thôn Mới bền vững góp phần xây dựng xã Quỳnh Thạch ngày càng giàu đẹp văn minh./.
Tin: Nguyễn Bá Trinh