Chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương để lại trong mỗi người, mỗi gia đình và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ thì vẫn còn đó! Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần cơ thể các anh đã để lại ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời, sự cống hiến hy sinh tuổi thanh xuân của các nữ thanh niên xung phong và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn vò võ, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đó nỗi đau của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh, đồng thời là minh chứng sống về lòng yêu nước, tự lực tự cường, tư tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lớp lớp người Việt Nam. Biết đến bao giờ những vết thương tinh thần và thể xác ấy mới có thể hàn gắn. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến phần đời đẹp nhất của mình cho lý tưởng cao đẹp cho sự nghiệp cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Trong những ngày tháng Bảy này, để thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa đối với thương binh, người có công và gia đình liệt sỹ. Đây là dịp để tôn vinh những anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác thương binh liệt sỹ, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược. Đầu năm 1946, hội giúp binh sỹ bị nạn ra đời tại Hà Nội, Bác Hồ được mời làm hội trưởng danh dự; sau đổi thành hội các binh sỹ bị thương. Từ tháng 12 năm 1946 khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, số binh sỹ bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên, vấn đề Thương binh, Liệt sỹ trở thành vấn đề lớn và hết sức quan trọng. Ngày 16 tháng 12 năm 1947 Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng Thương tật và tiền tuất cho Thân nhân Liệt sỹ. Tháng 6 năm 1947 hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ, các hội Đoàn thể chính trị Trung ương Quyết định chọn ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đến tháng 7/1955 Thương binh toàn quốc được đổi thành ngày Thương binh Liệt sỹ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh liệt sỹ của cả nước.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người dân thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sỹ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quỳnh Thạch chúng ta là một xã có truyền thống yêu nước, nhân dân sẵn sàng cầm súng chiến đấu, hi sinh vì độc lập - tự do cho Tổ quốc, khi Tổ quốc bị xâm lăng, cũng như tinh thần hăng hái lao động sản xuất trong thời kỳ phát triển đất nước. Trải qua các cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt để giải phóng đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Quỳnh Thạch chúng ta chịu nhiều mất mát, đau thương với 123 liệt sỹ đã hi sinh, trên 170 Thương binh, Bệnh binh để lại một phần thân thể trong chiến trường hay mắc các chứng bệnh do chiến tranh để lại, hơn 35 người bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ nhiễm chất độc da cam đioxin.
Hiện nay, toàn xã có 97 gia đình đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ; 78 thương binh: 49 bệnh binh; 14 Mẹ Việt Nam anh hùng: 18 thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 21 người hưởng trợ cấp chất độc hóa học; Ngoài ra, còn có hàng trăm người có công giúp đỡ cách mạng được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Qua rà soát, cơ bản Người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện tốt chính sách Thương binh, Liệt sỹ và người có công với cách mạng. Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng các chính sách và giải pháp cụ thể, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã tạo được sức mạnh về vật chất tinh thần để chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, trong những ngày này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Thạch đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023. Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống thường ngày của mỗi người dân góp phần đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc./.
Một số hoạt động Nặng nghĩa - Tri ân.
Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể xã dâng hương
Hội Nông dân xã tặng quà cho thương, bệnh binh
Hội Cựu chiến binh xã tặng quà cho thương, bệnh binh
Đoàn xã tặng quà cho thương, bệnh binh