Chuyện kể rằng ngày xưa có ông Lính sau khi đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, bị lạc vào dẫy Thất Tinh sơn nay là Làng Tràm thuộc khu di chỉ khảo cổ học Quốc gia Cồn Điệp, xã Quỳnh Văn, sau nhiều ngày tháng lưu lạc ông đã nhờ vào quả Ổi để sinh tồn. Sau này tổ tiên các dòng họ Nhất Nguyễn, Nhị Phan, Tam giã Đặng đến khai cơ lập ấp; khai sơn phá Thạch, lập nên Làng Tràm và đã nhân giống Ổi tạo kế sinh nhai, cứu đói cho dân Làng, Ổi Làng Tràm được lưu truyền từ đó và mang giá trị nhân văn gắn với Di tích lịch sử đền Hạ Lam Cầu và Cây Thị cổ trên 300 năm.
Làng Tràm là mảnh đất địa linh tạo nên những nét đặc trưng với những con người thân thiện, chịu khó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới. Cấp uỷ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm phát triển vùng trồng cây ăn quả, Hội Nông dân là đơn vị tiên phong thành lập Tổ Hợp tác trồng cây ăn quả nhằm phát huy lợi thế và tạo tiền đề nâng cao kinh tế hộ gia đình. Qua khảo sát, Lam Cầu (làng Tràm) là vùng đất đặc biệt, thời gian chiếu sáng của ánh nắng mặt trời dài, đất có độ phèn nhẹ và có mạch nước mát lạnh từ dãy Thất Tinh sơn, đó là những yếu tố rất quan trọng để tạo ra sản phẩm đặc sản mà không phải nơi nào cũng có. Ngoài ra, đất đai nơi đây rất tốt, đã được lấy mẫu đưa đi phân tích, tầng canh tác dày 1,5 - 2,5m. Trong vùng này, đất có chứa hàm lượng các chất trung lượng, vi lượng rất cao, như canxi, lưu huỳnh, mangan, kẽm, bo, silic… được tích tụ hàng trăm năm, dinh dưỡng cao, rất phù hợp để trồng cây ăn quả.
Nghề trồng Ổi thực sự vất vả và khó khăn hơn các cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Người trồng phải chịu khó, khéo léo bọc quả sau khi đơm hoa kết trái và luôn áp dụng KHKT, chọn lọc tỉ mỉ từng khâu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của nhiều nhà vườn đi trước để xây dựng một quy trình riêng. Tại HTX Nông nghiệp Lam Cầu, Ổi được sản xuất trên dây chuyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Giống được lựa chọn là giống tốt, có năng suất cao, cho quả đẹp, được chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hoạch đúng thời vụ, có nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đem lại doanh thu hàng năm tăng gấp 3 – 4 lần so với trước. Ổi có hương vị đặc trưng “thơm, ngon, giòn, ngọt”, chỉ ăn một lần là nhớ mãi. Chính do chất đất phèn nhẹ, nguồn nước và thời gian chiếu sáng dài đã tạo nên giống ổi có một không hai này. So về độ ngọt thanh, hiếm có giống nào bì kịp với Ổi làng Tràm, đây là sản phẩm đặc trưng hướng vào thị trường là cửa hàng nông sản sạch, các nhà hàng và các nhà bán buôn, bán lẽ vào các dịp lễ hội, mùng một, ngày rằm.
Mô hình trồng Ổi tại HTX Nông nghiệp Lam Cầu là điểm nhấn thành công xây dựng nông thôn mới của xã Quỳnh Thạch nói riêng và huyện Quỳnh Lưu nói chung, đã được lan tỏa rộng rãi và hiện có hơn 30 hộ dân vùng làng Tràm cùng trồng ổi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã nhà.
Những trái ổi thơm ngon, giòn ngọt mang đậm hương vị của vùng bán sơn địa và công sức bền bỉ của người nông dân đã được đền đáp khi Ổi làng Tràm ngày càng được người tiêu dùng cả nước tìm mua và đón nhận nhiều hơn. Đó là đòn bẩy để HTX Nông nghiệp Lam Cầu, Quỳnh Thạch tiếp tục ổn định và phát triển, nâng tầm thương hiệu với khách hàng; Ổi làng Tràm không những dinh dưỡng đủ đầy mà còn mang cả tâm tình, hương vị hồn quê và lòng nhân hậu của người nông dân lao động.
Nguyễn Bá Trinh